EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Tác phẩm đạt Giải 3 - Cuộc thi viết về Vẻ đẹp phụ nữ EVN 2020 Tác giả: Nguyễn Thị Lan Hương – Công đoàn EVNGENCO 3

Tác phẩm đạt Giải 3 - Cuộc thi viết về Vẻ đẹp phụ nữ EVN 2020

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Hương – Công đoàn EVNGENCO 3

 

Chị - người phụ nữ tôi đề cập trong bài viết này mang tên một loài hoa đẹp. Chị ấy, tên đầy đủ là Bùi Thị Ngọc Lan - Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Tổng Công ty Phát điện 3.

Mỗi người phụ nữ chúng ta ắt hẳn ai cũng có hình mẫu cho riêng mình. Hình mẫu đó có thể là người mẹ, người chị trong gia đình, những nữ anh hùng của dân tộc hoặc là những chị nữ đồng nghiệp tại cơ quan… Là phụ nữ, tôi cũng có những tấm gương để mình học hỏi, noi theo. Tuy nhiên, với tôi không có một hình mẫu nào cố định bởi vì theo tôi không có một hình mẫu nào là chuẩn mực nhất. Ở mỗi người phụ nữ đều tiềm ẩn những nét đẹp riêng mà khi có cơ hội được tiếp xúc, gần gũi với họ ta mới khám phá ra được các giá trị đó.

Thực ra tôi chỉ là lính mới trong ngành Điện vì thời gian công tác tại Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) chưa đến 3 năm. Có lẽ thời gian đó chưa đủ dài để tôi có thể hiểu tường tận về chị, nhưng may mắn hơn mọi người là tôi có cơ hội làm cùng phòng với chị - người phụ nữ đã gắn bó với Tổng Công ty hơn 20 năm. Theo cảm nhận của tôi, ngoài những phẩm chất tiêu biểu của phụ nữ EVN, EVNGENCO 3 “Trách nhiệm - Trí tuệ - Đảm đang - Thanh lịch” thì chị còn mang vẻ đẹp rất riêng. Vẻ đẹp của chị thể hiện qua tình yêu của chị đối với ngành, với nghề với Tổng Công ty. Tình yêu đó lặng lẽ, gần gũi, chân thành, mộc mạc và rất đời thường. Tôi đã xin phép chị để được tái hiện tình yêu của chị qua những câu chuyện bình dị mà tôi đã được trải nghiệm dưới đây.

Yêu nghề trước tiên phải yêu thương đồng nghiệp!

Thế nào là yêu thương đồng nghiệp? Chắc chắn không có một định nghĩa nào cho điều đó. Tình yêu đó không cầu kỳ, không hoa lá cành, nó từ từ bén rễ và nảy mầm trong mỗi chúng ta qua những hành động đời thường.

Trong phòng có 3 chị em là nữ, chị là lớn tuổi nhất nên chị luôn coi chúng tôi là em út để đối đãi. Chị nói với chúng tôi thế này: “Chị thấy chúng ta cứ nói yêu Tổng Công ty, thực ra là chúng ta yêu là yêu con người, yêu đồng nghiệp vì chính con người mới làm nên Tổng Công ty. Mà trước tiên là phải yêu thương, tôn trọng đồng nghiệp làm cùng phòng với mình. Chị luôn coi mấy đứa như em út, con cháu của chị trong gia đình vì chị gặp mấy đứa có khi còn nhiều hơn gặp người thân trong gia đình”. Chính vì vậy, có món ngon, đồ đẹp chị cũng dành cho chúng tôi, đôi khi là bộ áo dài, hoặc những món quà đặc sản sau mỗi lần chị đi công tác về. Yêu thương là thế nhưng khi làm việc chị rất nghiêm khắc với chúng tôi và đôi lúc chị còn rất khó tính, chị khó cho công việc, chị khó để chúng tôi hoàn thiện bản thân, trong cái khó của chị chưa bao giờ có chút gì đó riêng tư cho bản thân chị. Chúng tôi biết chị muốn chúng tôi phải trau dồi bản thân, tiến bộ dần trong công việc. Tôi nghĩ đó là tình yêu thương của chị dành cho chúng tôi, nếu không yêu thương làm sao chị lại chỉ bảo như người trong gia đình được.

Tình yêu thương của chị còn thể hiện ở sự quan tâm đối với những đồng nghiệp khác, đặc biệt là những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Với vai trò là Trưởng ban nữ Công Công đoàn Tổng Công ty, chị luôn kịp thời có những ý kiến đề xuất trợ cấp, thăm hỏi đối với những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo trong Tổng Công ty. Hàng năm, mỗi khi tôi hỗ trợ chị tổng hợp những trường hợp có hoàn cảnh khăn trong Tổng Công ty chị luôn nhắc nhở tôi phải rà soát, đối chiếu lại với danh sách cũ, cốt lõi là để nắm tình hình sức khỏe của họ có tốt hơn hay chưa, hoàn cảnh có còn khó khăn hay không… để kịp thời quan tâm, động viên và chia sẻ. Sự quan tâm của chị tỉ mỉ thế đó, đôi khi chỉ nhỏ thôi cũng làm người ta cảm thấy ấm lòng.

Công đoàn TCT cùng với Đoàn công tác Công đoàn ĐLVN trao tiền phẫu thuật tim cho cháu Nguyễn Thiên Phú - con CNVCLĐ Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (Chị Bùi Thị Ngọc Lan - ngoài cùng bên phải)

Ấn tượng của tôi về chị không chỉ nằm ở cách chị đối đãi với chúng tôi, với những đồng nghiệp đang công tác mà còn ở cách chị dành tình cảm trân trọng, biết ơn đối với thế hệ đi trước. Chị thường hay kể cho tôi nghe về chú Trần Quốc Thuấn - Nguyên Giám đốc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, nay chú đã nghỉ hưu với thái độ kính trọng và tình yêu mến vô hạn. Chị nói chính chú là người đã hướng dẫn chị, dạy cho chị nhiều điều. Chị nói chú khó tính lắm nhưng nhờ cái khó của chú mà ai cũng nên người, giỏi giang, lớp thế hệ của chị thời bấy giờ đã được tôi luyện trở thành cán bộ hết rồi. Tôi thấy hàng năm, cứ dịp Tết đến Xuân về chị lại đến nhà thăm chú như một đứa con gái về thăm người cha của mình vậy.

Không chỉ riêng đối với chú Thuấn, đối với các chú cán bộ hưu trí của Tổng Công ty, chị luôn ân cần và lễ phép, là Tổ trưởng Tổ Giúp việc của Ban Liên lạc hưu trí Tổng Công ty, chị làm cầu nối để liên lạc và triển khai các chương trình họp mặt hàng năm nhằm kịp thời quan tâm thăm hỏi, động viên các bác, các chú và với tinh thần trân trọng và biết ơn.

Qua cách sống của chị, tôi thấy thêm yêu quý chị vì chị là người sống “có trước trước, có sau”; biết “uống nước nhớ nguồn”, “kính trên nhường dưới”; biết quan tâm chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh hơn mình. Tôi nghĩ tình yêu thương đồng nghiệp đâu cần phải cầu kỳ, quan cách, chỉ đơn giản qua cái cách chị làm là đủ rồi.

Yêu nghề là phải nghiêm túc với nghề!

Tôi còn nhớ những ngày đầu khi mới vào Tổng Công ty làm việc, lúc đó tôi vẫn còn đang trong quá trình thử việc, chị là người đã hướng dẫn, đã truyền đạt những kinh nghiệm làm việc cho tôi. Khi đó, chị đã nói rõ nguyên tắc làm việc của chị: “Em làm việc gì cũng phải nghiêm túc, cẩn thận. Em chỉ được phép sai một vài lần đầu tiên và hạn chế những lỗi lặp lại. Chị nói đơn giản như việc dò lại văn bản soạn thảo em cũng phải cẩn thận, kỹ càng, dò từ hàng đầu tiên đến hàng cuối cùng của văn bản. Có như vậy sản phẩm của mình mới đạt chất lượng không chỉ về nội dung mà còn về cả hình thức, thẩm mỹ”. Chỉ vài chi tiết nhỏ thế thôi nhưng lời của chị những ngày đầu tiên khiến tôi nhớ mãi, để trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân mình.

Yêu nghề là phải cống hiến hết mình cho nghề!

Chị thường khuyên bảo tôi: “Chị cũng đã trải qua nhiều vị trí công tác suốt hơn 20 năm trong nghề, theo chị không có vị trí nào to, vị trí nào nhỏ, công việc nào cũng quan trọng, chỉ cần mình làm việc nghiêm túc, cống hiến hết mình rồi mình sẽ được nhận lại xứng đáng”. Tôi thấy chị ham làm lắm! Hôm nào nhiều việc, chị sắp xếp thời gian một cách khoa học, luôn chu toàn việc nhà để không vướng bận hay ảnh hưởng đến công việc, chị luôn cân đối thời gian để giải quyết công việc cho ổn thỏa. Trong công việc, dù là việc lớn hay việc nhỏ, chị chẳng bao giờ nề hà, mà luôn sẵn sàng “nhảy” vào phụ giúp chúng tôi cho kịp tiến độ. Có lẽ tình yêu nghề đã chảy trong huyết quản của chị, níu bước chân chị đồng hành cùng đồng nghiệp và sự phát triển của ngành Điện hôm nay. Nếu không có tình yêu đó thì có lẽ chị đã chùn bước với những khó khăn ban đầu khi mới thành lập Nhà máy điện Phú Mỹ; hoặc có thể khi gặp những áp lực, thăng trầm của cuộc sống, con người ta cũng rất dễ bỏ cuộc.

 Chị Bùi Thị Ngọc Lan thuở mới vào nghề (năm 1997 - hình trái) và hiện nay (năm 2020 - hình phải)

Với tình yêu và những cống hiến dành cho ngành Điện, cho Tổng Công ty, tôi hiểu vì sao chị có rất nhiều giấy khen của Tổng Công ty, bằng khen của Công đoàn Điện lực Việt Nam. Gần đây nhất là năm 2019, chị được vinh dự nhận Bằng khen của Công đoàn Điện lực Việt Nam vì đã có nhiều thành tích trong phong trào “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”. Những phần thưởng cao quý đó chính là sự ghi nhận, đánh giá cao từ các cấp lãnh đạo dành cho những cống hiến và nỗ lực của chị trong suốt sự nghiệp của mình.

Yêu nghề là phải truyền nghề!

Trước khi gia nhập gia đình EVNGENCO 3 thì tôi đã có một thời gian cống hiến ở lĩnh vực, công ty khác. 7 năm lăn lộn với cuộc sống kể từ lúc rời khỏi giảng đường đại học không phải là dài nhưng cũng đủ để tôi trải nghiệm cuộc sống. Đối với tôi đi làm quan trọng nhất là gặp được người có tâm, chỉ cho mình những kinh nghiệm quý báu, truyền cái nghề cho mình. Đó chỉ mong muốn của tôi vì tôi biết rằng không dễ gì khi đi làm tôi gặp được người như thế, ai cũng ích kỷ muốn giữ cái nghề cho riêng mình, suy cho cùng đó cũng là điều bình thường. Thế mà may mắn sau 7 năm đó, tôi đã gặp được chị, được làm chung với chị và được chị hướng dẫn, chị truyền nghề cho bản thân. Chị đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu tôi bước chân vào Tổng Công ty, chị không dấu diếm mà còn rất tận tâm truyền hết cho tôi những bài học mà chị từng va vấp, chị hướng dẫn cho tôi chi tiết, tỉ mỉ đối với mỗi công việc và tất nhiên chị cũng trách mắng tôi những lúc tôi cứ lặp lại cái lỗi không đáng có trong công việc. Tôi biết, chị trách thế thôi, chứ tôi cảm nhận được rằng chị luôn coi tôi là em út để đối đãi, để dạy bảo. Mỗi lần chỉ tôi việc gì chị thường nói: “Bất kỳ ai khi mới vào làm việc, chị đều chỉ dạy công việc tường tận như vậy vì chị xem mọi người như người thân. Chị biết gì chị đều truyền hết. Mọi người làm giỏi, làm tốt hơn chị, được người khác khen chị cũng được thơm lây”. Tình yêu nghề của chị đơn giản thế thôi, yêu nghề là phải bồi dưỡng và truyền lại cho các thế hệ kế cận để tiếp tục phát huy, “yêu là cho không chỉ của riêng mình”. Cuộc đời đi làm tôi chỉ cần có thế, gặp được “người thầy” truyền nghề cho mình, làm đúng công việc mình yêu thích. Có lẽ nhờ chị mà tôi cũng đã yêu ngành điện - cái ngành, nghề làm dâu trăm họ này từ lúc nào không biết.

Cảm ơn chị - người chị gái thứ hai của tôi

Chị thường nói với chúng tôi: “Chị em mình được làm việc cùng nhau, được cống hiến cùng một nghề đó cũng là cái duyên. Đã chọn nghề này thì các em phải yêu nghề và cống hiến hết mình cho Tổng Công ty. Các em phải không ngừng cố gắng, cố gắng và cố gắng rồi sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng”. Tôi thấy cuộc thi thật ý nghĩa và cảm thấy biết ơn cuộc thi này, nhờ nó mà tôi có cơ hội viết lên những dòng cảm xúc, tình cảm dành của mình cho chị - người chị gái thứ hai của tôi. Tình cảm đó là lời cảm ơn chân thành tôi dành cho chị; cảm ơn chị đã dạy bảo, hướng dẫn, truyền nghề cho tôi; cảm ơn chị đã truyền cho tôi tình yêu đối với ngành Điện; cảm ơn chị đã là tấm gương sáng để tôi học hỏi, noi theo. Cảm ơn chị - người phụ nữ EVN, ENVGENCO 3 “Trách nhiệm - Trí tuệ - Thanh lịch - Đảm đang”, người phụ nữ mang tên loài hoa đẹp.