EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên dòng sông Sê San theo Quyết định 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các chủ hồ phải thực hiện việc theo dõi diễn biến khí tượng thủy văn, quan trắc lưu lượng nước tự nhiên về hồ, quản lý vận hành các hồ chứa phù hợp với mùa mưa và mùa khô khác nhau, có xét đến việc ưu tiên cấp nước cho vùng hạ du đập.

Trên dòng sông Sê San hiện có 6 hồ chứa đang vận hành: Pleikrong, Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, và Sê San 4A. Nói về vai trò quan trọng trong điều tiết nước chống hạn mùa khô và giảm lũ mùa mưa thì hai hồ chứa Pleikrong và Ialy là quan trọng nhất. Tính quan trọng thể hiện ở hệ số điều tiết khá lớn (Pleikrong 0,24 - điều tiết năm; Ialy 0,09 - điều tiết mùa), các hồ còn lại chỉ có khả năng điều tiết ngày hoặc tuần.

Về đặc điểm địa lý, sông Sê San là một chi lưu của sông MeKong, bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh phía Bắc tỉnh Kon Tum, chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam với chiều dài khoảng 462km, trên lãnh thổ Việt Nam là 210km, đến khi nhập cùng với các sông khác là Srepok (từ Đắk Lắk) và Sekong (từ Hà Lào) tại thị trấn Strung Treng, Campuchia. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Sê San cũng là hợp lưu của hai sông nhỏ hơn là Krong Poko ở phía Tây Trường Sơn, và Dakbla ở phía Đông Trường Sơn, trước khi gặp nhau tại TP. Kon Tum.

                         Công trình thuỷ điện Pleikrong có vai trò điều tiết nước cho gần 10 nhà máy thuỷ điện trên toàn tuyến Sê San

Mặc dù không phải là dòng sông có trữ năng lớn nhất, nhưng xét về mặt kinh tế thì việc đầu tư xây dựng thủy điện trên sông Sê San mang lại hiệu quả khá tốt nhờ vào điều kiện tự nhiên và thủy văn của nó. Về đặc điểm địa hình, độ cao trung bình của lưu vực là 740m, mặc dù sông Sê San có địa hình dốc trung bình là 14%, nhưng dọc theo dòng sông, có một số vị trí rất dốc và hẹp tạo thành thác, điển hình nhất là thác Ialy, có thể xây dựng đập nước một cách thuận lợi.

Về điều kiện khí tượng thủy văn, mùa mưa trên lưu vực kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11, chính vụ là tháng 9-10, trên lưu vực có lượng mưa trung bình xấp xỉ 1.000-2.200 mm/năm trong đó phân bố nhiều hơn trên lãnh thổ Việt Nam, về phía thượng nguồn, mô dun lưu lượng khoảng 35l/s.km2, tổng lượng dòng chảy hàng năm tại biên giới là 13,1 tỷ m3.

Các công trình thủy điện trên dòng sông Sê San thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cải thiện ổn định hệ thống điện nhờ các dịch vụ điều tần, điều áp; tạo ra các hồ chứa với tổng dung tích hữu ích khoảng 2 tỷ m3 giúp cắt giảm lũ vào mùa mưa và tăng lưu lượng xả về hạ du vào mùa kiệt, cụ thể là dòng chảy tối thiểu về hạ du trước khi vào lãnh thổ Campuchia là 195m3/s trong khi lưu lượng tự nhiên chỉ khoảng 70m3/s; giúp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện lực; đóng góp đáng kể vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng; tạo nguồn thu ngân sách cao và ổn định để phát triển kinh tế địa phương Gia Lai và Kon Tum. Để đảm bảo thực hiện quản lý vận hành tốt hệ thống các hồ chứa trên sông Sê San, góp phần phát triển bền vững, giảm thiểu các tác động đến môi trường, Công ty Thủy điện Ialy đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp sau đây:

Trước hết là việc thực hiện tốt Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San kèm theo Quyết định 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần tuân thủ thứ tự ưu tiên vận hành hồ chứa là bảo đảm an toàn công trình, cắt giảm lũ cho hạ du, bảo đảm hiệu quả phát điện. Trong mùa lũ, vận hành các hồ sao cho không gây lũ nhân tạo hoặc ngập lụt vùng hạ du một cách đột ngột, trưởng ban phòng chống thiên tai địa phương cấp tỉnh quyết định vận hành hồ trong tình huống có cảnh báo lũ, giám đốc công ty quyết định vận hành trong điều kiện thời tiết bình thường, nhưng phải duy trì mực nước hồ không được vượt quá mực nước cao nhất trước lũ. Việc ban hành Quy trình này là một thay đổi trong phương thức vận hành hồ chứa, với việc nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc phòng chống ngập lụt vùng hạ du, đồng thời cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc vận hành hồ chứa đối với việc đảm bảo an sinh xã hội trên lưu vực sông Sê San.

Hai là, công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc khai thác, sử dụng nước một cách hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho cư dân địa phương canh tác vùng đất bán ngập từ cao trình 512-515m thuộc hồ Ialy. Xây dựng kế hoạch điều tiết và sử dụng nước hồ chứa, trong đó điều chỉnh kế hoạch phát điện đảm bảo cung cấp nhu cầu nước tối thiểu cho các ngành kinh tế theo thông báo kế hoạch sử dụng nước của các tỉnh bao gồm mục đích phát điện, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh với lưu lượng tối thiểu 195m3/s trước khi chảy vào lãnh thổ Campuchia. Những năm đặc biệt ít nước thì báo cáo và điều tiết dòng chảy theo yêu cầu của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ví dụ các tháng mùa khô năm 2016, do khô hạn kéo dài từ năm 2014 nên lưu lượng xả về hạ du từ 90-195 m3/s.

Ba là, tăng cường các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Hồ chứa nước ngoài ý nghĩa sản xuất điện và dân sinh còn là nơi điều hòa, giảm thiểu các ô nhiễm công nghiệp như cung cấp nước cho các nhà máy đường, nhà máy sắn… việc kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các nhánh sông, suối đổ về hồ và vùng lòng hồ là việc làm định kỳ và quan trọng. Theo đó, công ty đã tăng cường công tác quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường vùng hồ và lưu vực, xây dựng và thực hành các kịch bản khống chế ô nhiễm môi trường lưu vực sông, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư vùng lòng hồ gắn với việc phát triển sinh kế tại địa phương.

Bốn là, phối hợp bảo vệ và phát triển môi trường rừng một cách bền vững. Việc đóng góp ngân sách vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện từ năm 2011. Theo đó hàng năm công ty tham gia đóng góp vào quỹ của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hàng trăm tỷ đồng nhằm giúp cho các tổ chức cá nhân sở hữu rừng khoanh nuôi, chăm sóc, phục hồi và tái tạo rừng… hướng đến việc nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, đồng thời giúp cho chủ rừng có thể sống được nhờ cung cấp dịch vụ môi trường rừng, từ đó duy trì được lưu lượng nước tự nhiên về hồ một cách bền vững. 

Hy vọng với việc thực hiện các giải pháp tổng hợp như vừa nêu, xoay quanh công tác quản lý vận hành hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ chứa và các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho khu vực Bắc Tây Nguyên. 

 

Theo - Báo Công Thương