EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Nền tảng cốt lõi mang ý nghĩa quyết định nhất của văn hóa doanh nghiệp EVN là “Vì con người”, trong đó, việc tạo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo vệ sinh lao động để bảo vệ người lao động an tâm sản xuất là một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp.

An toàn lao động có vị trí, vai trò rất quan trọng là bảo vệ người lao động – yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trong các doanh nghiệp. Mất an toàn lao động đã, đang và sẽ gây ra những tổn thất lớn cho các doanh nghiệp, bao gồm cả ngành sản xuất và dịch vụ…

VĂN HÓA AN TOÀN LÀ GÌ ? Theo kết luận của “Hội nghị lao động Quốc tế tổ chức vào tháng 6 năm 2003”, Văn hoá phòng ngừa trong lĩnh vực An toàn - Vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) mang tầm quốc gia, là một văn hoá trong đó quyền của người lao động được tạo điều kiện về môi trường làm việc an toàn và vệ sinh, được tất cả các bên tôn trọng. Đó là văn hoá trong đó các cơ quan Nhà nước Doanh nghiệp, những người sử dụng lao động và người lao động phải tham gia tích cực vào việc bảo đảm một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua một hệ thống với các quyền, trách nhiệm và bổn phận được xác định là văn hoá trong đó nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu. Như vậy, Văn hoá an toàn qua cách trình bày ở trên chính là biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Vì vậy, xây dựng văn hoá an toàn trong lao động hay văn hoá phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chính là xây dựng các nội dung phải thực hiện để đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ; xây dựng ý thức, tác phong thói quen làm việc an toàn; xây dựng các quy tắc, các chuẩn mực ứng xử của các thành viên liên quan và tham gia quá trình lao động sản xuất đối với các vấn đề quy định nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Để xây dựng và hình thành được văn hoá an toàn lao động mang tính phòng ngừa, ngoài việc đòi hỏi cần phải tận dụng tất cả các phương tiện sẵn có nhằm nâng cao những hiểu biết, kiến thức và nhận thức chung về những khái niệm về các nguy cơ, rủi ro cũng như cách phòng ngừa và kiểm soát chúng, còn phải nâng cao nhận thức về mặt luật pháp, chính sách trong lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động. Để thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn lao động đó là bố trí sử dụng con người hợp lý; tăng cường củng cố, ổn định bộ máy làm công tác AT-VSLĐ đảm bảo về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác AT-VSLĐ được đào tạo nâng cao; phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác AT-VSLĐ, phổ biến để đảm bảo từng cán bộ quản lý đều nắm rõ được nhiệm vụ của mình; nâng cao nhận thức về AT-VSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động qua tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về AT-VSLĐ cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe người lao động, xây dựng chế tài nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý AT-VSLĐ, xử lý vi phạm, tổ chức điều hành sản xuất khoa học, hợp lý, khắc phục các tồn tại trong thiết kế, thi công, lấy kỹ thuật cơ bản làm then chốt và lựa chọn các công nghệ thiết bị phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. 

Ngoài các mục nêu trên, Văn hoá an toàn còn được thể hiện thông qua thái độ của người lao động đối với việc chấp hành các Quy trình, Quy định về an toàn lao động, thái độ với việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, thái độ của người lao động chấp hành nghiêm túc các Quy trình vận hành thiết bị, ý thức tự bảo vệ mình… Sự thể hiện của các bên - Người sử dụng lao động - Người lao động sẽ là hình ảnh rõ nét và mấu chốt của Văn hoá an toàn.

Văn hóa an toàn lao động, theo Tổ chức Lao động thế giới, gồm 3 yếu tố: Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh của Nhà nước; việc doanh nghiệp chấp hành pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất để thực thi quy trình, quy phạm an toàn lao động; Sự tự giác, tự thân nêu cao ý thức tự bảo vệ mình của người lao động. Như vậy có thể nói, Văn hóa an toàn lao động cũng là một bộ phận không thể tách rời của Văn hóa doanh nghiệp. Do đó, xây dựng tốt Văn hóa an toàn lao động trong doanh nghiệp ngày nay là yêu cầu không thể thiếu của các doanh nghiệp. Đây là vấn đề không dễ, đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn và sâu sắc của người đứng đầu doanh nghiệp.

Xây dựng và duy trì một văn hóa an toàn và vệ sinh mang tính phòng ngừa đòi hỏi cần phải tận dụng tất cả các phương tiện sẵn có nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức và nhận thức chung về những khái niệm về các nguy cơ, rủi ro cũng như cách phòng ngừa và kiểm soát chúng. Dù doanh nghiệp đang hoạt động tốt thế nào thì doanh nghiệp đó vẫn luôn cần xem xét tìm hiểu làm thế nào để có thể hoạt động tốt hơn nữa. Quá trình này bao gồm việc tìm cách cải tiến các hệ thống và các quá trình hiện đang áp dụng và sử dụng công nghệ mới như thế nào vì lợi ích của tất cả mọi người.

Để xây dựng nên một nền văn hóa an toàn, cần phải quan tâm và chú trọng đến xây dựng nên văn hóa an toàn của mỗi cá nhân và văn hóa của cả công ty. Văn hóa an toàn của mỗi cá nhân chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: từ nghề nghiệp, quốc gia, vùng miền, gia đình v.v. Trong phạm vi nghề nghiệp văn hóa an toàn cá nhân được củng cố trước hết bởi những chính sách về an toàn chung của công ty, yêu cầu về ứng xử an toàn đối với mỗi thành viên, những chiến dịch, chương trình đào tạo an toàn, và một phần ảnh hưởng rất lớn từ cách ứng xử của những người có trách nhiệm đối với vấn đề an toàn. Đồng thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ, mỗi doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm thực hiện các biện pháp về khoa học kỹ thuật, tổ chức, hành chính để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên môi trường lao động an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa tai nạn lao động và các thiệt hại khác đối với người lao động. Đồng thời, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động là trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh toàn diện.

Thực tế cho thấy phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn lao động chủ yếu là do con người. Do đó, việc phòng, chống tai nạn lao động phải bắt đầu từ việc người lao động có ý thức tự bảo vệ mình, chấp hành nội quy, quy trình an toàn lao động. Việc xây dựng văn hóa an toàn lao động đã được khẳng định tại Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ từ năm 2013 của EVN.

Nhằm đưa công tác an toàn trong lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của mọi người và trở thành văn hoá ứng xử trong lao động ở Công ty, Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân luôn xem Văn hóa An toàn lao động là một bộ phận không thể tách rời của Văn hóa Doanh nghiệp, luôn song hành cùng sự phát triển của Công ty. Chú trọng công tác tuyên truyền, đẩy mạnh an toàn trong sản xuất điện và công tác sửa chữa, tăng cường kiểm tra, đào tạo, tập huấn, huấn luyện và triển khai đầy đủ các biện pháp an toàn để ngăn ngừa, đảm bảo không để xảy ra tai nạn.

Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân