Hồ thủy
điện Buôn Tua Srah là hồ đầu nguồn có quy mô lớn nhất trên lưu vực sông
Sêrêpốk. Việc vận hành an toàn, hợp lý hồ này trong mùa mưa lũ có vai trò rất
quan trọng đối với vùng hạ du.
Theo Trung
tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trên biển Đông năm nay có khoảng 11 –
13 cơn bão, trong đó có 5 – 6 cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền
khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Nguy cơ bão, lũ hoàn toàn có thể xảy ra nên việc
bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản vùng hạ du hồ Buôn Tua Srah được
đặc biệt chú trọng. Trước hết, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận
hành công trình) đã xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập thủy
điện Buôn Tua Srah trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Phương án
này xác lập mối quan hệ giữa xả lũ hồ chứa với mực nước hạ lưu các khu vực ngập
lụt ứng với các tần suất xả lũ khác nhau của hồ nhằm chủ động ứng phó với những
tình huống. Vấn đề cốt yếu là công trình phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, chủ
động đề phòng mọi bất trắc, không để mực nước hồ vượt cao trình 489,5 mét; góp
phần giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột. Bên cạnh đó,
phương án này cũng đã tính toán, điều tra cụ thể vùng bị ảnh hưởng tương ứng
mực nước ngập lớn nhất và theo từng tần suất xả ở hạ lưu nhằm điều tiết hợp lý
nguồn nước hồ chứa trong mùa mưa.
Các cơ quan chức năng
kiểm tra công trình thủy điện Buôn Tua Srah trước mùa mưa lũ.
Về công
tác vận hành giảm lũ cho hạ du hồ, trong điều kiện thời tiết bình thường thì
chủ hồ vận hành điều tiết mực nước trong hồ bảo đảm quy định trong Quy trình
vận hành liên hồ trên sông Sêrêpốk. Nếu thời tiết xấu hoặc xuất hiện các tình
huống mưa, lũ thì Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
tỉnh Đắk Lắk quyết định về phương án vận hành, điều tiết hồ. Bên cạnh đó, khi
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo mưa lũ có ảnh hưởng đến các địa
phương trên lưu vực sông Sêrêpốk trong vòng 24 – 48 giờ thì hồ phải vận hành hạ
mực nước để đón lũ theo từng trường hợp, mức độ cụ thể.
Cùng với
phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập thủy điện Buôn Tua Srah, đơn vị
vận hành hồ chứa cùng các bên liên quan đã xây dựng phương án phối hợp phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cụ thể, trong công tác điều tiết, xả lũ,
chủ hồ trực tiếp thông báo đến Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện để Trưởng Ban Chỉ huy ban hành lệnh vận hành hồ
theo thẩm quyền trong từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh
đó, chủ hồ có trách nhiệm báo cáo cho các bên liên quan về việc vận hành hồ
chứa trong trường hợp bình thường, vận hành giảm lũ cho hạ du, vận hành bảo đảm
an toàn công trình hoặc trong tình huống bất thường, tan lũ và chế độ tích nước
cuối mùa lũ. Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Đức, phương
án phối hợp này được xây dựng với thẩm quyền đến cấp huyện, trong đó quy định
trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong từng trường hợp. Tuy nhiên, để việc
triển khai có hiệu quả trong thực tế nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người
và tài sản cho vùng hạ du thì phương án được phổ biến cụ thể đến chính quyền
cấp xã và người dân vùng bị ảnh hưởng, gắn với trách nhiệm của chính họ bởi đây
là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp khi xả lũ.
Hệ thống đập tràn và cửa xả của Nhà máy thủy điện Buôn
Tua Srah.
Để sẵn
sàng cho công tác vận hành an toàn trong mùa mưa lũ theo chế độ quy định, đơn
vị quản lý, vận hành hồ thủy điện Buôn Tua Srah cũng đã kiểm tra các trang
thiết bị và hạng mục công trình để sửa chữa trước ngày 31-7. Trong quá trình
vận hành công trình, chủ hồ sẽ thông báo trực tiếp cho người dân vùng hạ du bị
ảnh hưởng bằng loa phóng thanh đặt tại 13 trạm cảnh báo ở 8 xã thuộc 3 huyện
Lắk, Krông Ana và Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), còi hụ báo xả nước và hệ thống loa
trên xe lưu động. Thông tin lưu lượng về hồ, mực nước hồ, mực nước hạ lưu nhà
máy, thời điểm, lưu lượng xả về hạ du và dự báo thời điểm xuất hiện đỉnh lũ về
hồ sẽ được cập nhật thường xuyên để người dân chủ động trong sản xuất và di dời
trong tình huống khẩn cấp.
Năm 2019 có 2 đợt
mưa lũ ảnh hưởng đến hồ Buôn Tua Srah là áp thấp nhiệt đới trên biển Đông vào
tháng 8-2019 và bão số 6 vào tháng 11-2019. Để ứng phó, công trình này chỉ
hoạt động một tổ máy phát điện vào ban ngày, ngừng hoàn toàn vào ban đêm và
tiến hành xả điều tiết để giảm lũ cho hạ du.
|
Nguồn: Báo Đắk Lắk