EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Việc tiên phong áp dụng thí điểm chính sách làm việc linh hoạt tại Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3) dù phá vỡ định kiến về quản trị của các doanh nghiệp, nhưng lại đem hiệu quả bất ngờ...

Mặc dù trải qua “cú sốc” đại dịch Covid như các ngành nghề khác, tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của EVNGENCO3 thực hiện đạt và vượt kế hoạch, đóng góp sản lượng điện lớn cho hệ thống điện quốc gia, góp phần giữ vững an ninh năng lượng. Tổng công ty và các công ty cổ phần đang quản lý vận hành, sửa chữa bảo dưỡng 15 nhà máy, tổng số 41 tổ máy trải dài khắp cả nước với tổng công suất 6.336MW. Tổng sản lượng điện sản xuất đạt 33 tỷ kWh, tương đương đến 16% tổng sản lượng toàn hệ thống.

LỢI THẾ LAO ĐỘNG TRONG "THỜI KỲ VÀNG", NHƯNG THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ

Chia sẻ tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021 với chủ đề “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” do  Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 7/10, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng Ban tổ chức & Nhân sự, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) cho biết, khi khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp đứt gãy chuỗi lao động, lãnh đạo EVNGENCO3 đã quyết tâm chủ trương thực hiện xây dựng chính sách làm việc linh hoạt từ sớm, đem lại hiệu quả trong việc thu hút và giữ chân người tài.

"Lực lượng lao động trong độ tuổi vàng, chiếm đến 75% cũng đặt ra vấn đề cho người quản trị doanh nghiệp, người đứng đầu phải làm thế nào để thu hút và giữ chân người lao động và tạo động lực, tập trung nguồn lực để người lao động ở những độ tuổi này có thể sáng tạo, đầu tư nâng tầm về trí tuệ".
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng Ban tổ chức & Nhân sự, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3).

Tính đến ngày 31/8/2021, EVNGENCO3 là “ngôi nhà chung” của hơn 2.700 người lao động. Đáng chú ý, lực lượng lao động từ 30-49 tuổi, trong độ tuổi vàng, chiếm đến 75%. Đây là lứa tuổi năng động, chịu khó học hỏi và nghiên cứu, giúp Tổng công ty có lợi thế trong quản lý nguồn nhân lực.

Nhưng mặt khác, nếu không đặt ra chính sách, định hướng rõ ràng, Tổng công ty sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất lao động hiện hữu.

Khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, EVNGENCO3 ý thức được rằng tiếp tục thực hiện sứ mệnh, định hướng phát triển ngay từ khi mới thành lập, cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đầu tư xây dựng các dự án điện lớn.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng dự án mới, hòa nhập với tiêu chuẩn của quốc gia để thu hút nhà đầu tư, bà Yến cho biết: “Chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu là một trong những yêu cầu đặt ra cấp thiết, là tiêu chí các nhà đầu tư vốn dành sự quan tâm. EVNGENCO3 hiện là 1 trong 8 doanh nghiệp Việt Nam được cấp chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu - ASSESS Certificate vào tháng 8/2020”.

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng người lao động Tổng công ty không kêu khó mà đã tự lực, chủ động vượt lên các khó khăn, đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề nội tại.

Bên cạnh đó, từ yêu cầu thực tiễn, chúng tôi phải hòa nhập theo xu thế toàn cầu, áp dụng quản trị theo tiêu chuẩn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để thu hút nhân sự quốc tế.

QUYẾT TÂM TỪ NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Trong quá trình thực hiện, nhiều bộ phận trong 8 đơn vị trực thuộc Tổng công ty không khỏi hoài nghi, băn khoăn về hiệu quả, cách thức làm việc linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc. Mặc dù trước đây đã áp dụng chính sách làm việc linh hoạt rồi, nhưng chưa đưa vào những văn bản, xây dựng quy trình hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, mọi thứ lại dễ dàng theo đánh giá của người lao động lẫn người quản lý. 

"Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNGENCO3 nói riêng, việc tiên phong áp dụng thí điểm chính sách làm việc linh hoạt đã phá vỡ định kiến về quản trị của các doanh nghiệp tại Việt Nam".
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng Ban tổ chức & Nhân sự, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3).

Xét về hiệu quả của chính sách làm việc linh hoạt, bà Yến cho biết, một mặt, đối với Tổng công ty sẽ giảm chi phí tuyển dụng, giữ chân nhân tài. Ngoài ra, tăng gắn kết đội ngũ, cải thiện nâng cao năng suất lao động.

Mặt khác, về phía người lao động sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, không bắt buộc phải đến trụ sở làm việc. Đồng thời, chính sách làm việc linh hoạt tăng tính gắn kết khiến người lao động tiếp tục cống hiến, tăng mức độ hài lòng với công việc.

 

Từ đó, tăng năng suất lao động do họ chủ động về thời gian. Cuối cùng, người lao động có thể cân bằng cuộc sống và công việc, đặc biệt trong giai đoạn Covid, khi con cái họ chưa được đến trường đi học, bố mẹ phải thu xếp thời gian để cân bằng, làm sao vừa đảm bảo vừa công việc lẫn cuộc sống gia đình.

Theo đó, Tổng công ty thực hiện các chính sách thí điểm về làm việc linh hoạt, áp dụng cho hai nhóm.

Thứ nhất, nhóm gián tiếp, làm việc từ xa, giờ làm việc linh hoạt, giờ làm việc cộng dồn. Người lao động có thể làm việc tại bất kỳ địa điểm nào, giờ giấc linh động trong một ngày. Một tuần 5 ngày làm việc, người lao động có thể thu xếp làm việc dồn lại 4 ngày, dành trọn 1 ngày để giải quyết công việc gia đình. Tần suất áp dụng không quá 30% trên tổng số cán bộ nhân viên thuộc một bộ phận.

Thứ hai, đối với nhóm trực tiếp áp dụng với người lao động vận hành sửa chữa nhà máy điện, cần tính kịp thời, đáp ứng vận hành an toàn hệ thống điện. Tổng công ty áp dụng giờ làm việc linh hoạt, khi đột suất cần đến nhận ca trễ, ra ca sớm, áp dụng linh hoạt.

Để có các giải pháp thực hiện chế độ làm việc linh hoạt, Trưởng Ban tổ chức & Nhân sự, EVNGENCO3 bật mí 4 yêu tố quan trọng.

Một là, tư duy quản lý. Các nhà quản lý phải quyết tâm làm, đưa chế độ cho người lao động, thu hút và giữ chân người tài.

Hai là, lãnh đạo làm gương.

Ba là, đầu tư kỹ năng làm việc linh hoạt. Người lao động chủ động quản lý thời gian, tự kỷ luật, tự tạo động lực, nuôi dưỡng tinh thần.

Bốn là, xây dựng quy trình quản trị thông qua ứng dụng công nghệ kết nối quản lý nhân viên nhứ Office 365, Teams…

Theo Vneconomy