EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Theo kế hoạch, dự án nhiệt điện khí LNG Long Sơn sẽ cung cấp 1.500 MW điện sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế.

   Theo kế hoạch, dự án nhiệt điện khí LNG Long Sơn sẽ cung cấp 1.500 MW điện sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien chứng kiến lễ ký kết dự án điện khí LNG Long Sơn giữa các đại diện của GE, EVNGENCO 3, Tổng công ty Thái Bình Dương, PECC 2, Mitsubishi và TTC.

   Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 20-22/11 để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C. O'Brien và Chủ tịch Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ Kimberly Reed đã chứng kiến lễ ký kết dự án điện khí LNG Long Sơn giữa các đại diện của General Electric (GE), Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty CP (GENCO 3), Tổng công ty Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2), Mitsubishi và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC).

   Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, trong dự án này, GE sẽ cung cấp thiết bị, dịch vụ và đóng góp vốn đầu tư, với tổng giá trị tham gia là 1 tỷ USD.

   Dự án sẽ cung cấp 1.500 MW điện sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam, tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế.

   Nhà máy Nhiệt điện khí Long Sơn sẽ được xây dựng tại xã Long Sơn, thành phố Vũng tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích khoảng 132ha và tổng công suất khoảng 3.600MW.

    Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng theo lộ trình 3 giai đoạn từ năm 2019 - 2025 bao gồm: xây dựng cảng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) đầu mối với công suất 3,5 triệu tấn/năm và 3 nhà máy Tubin khí đều có công suất 2x600MW; nguồn vốn dự kiến của dự án khoảng 4,39 tỷ USD.

    Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2020 diễn ra hồi cuối tháng 10, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác, phát triển các dự án năng lượng khí tự nhiên hóa lỏng tại Việt Nam.

   Cụ thể, tập đoàn năng lượng AES ký một thỏa thuận với Petro Vietnam Gas để phát triển một nhà máy nhập khẩu LNG trị giá 2,8 tỷ USD và một nhà máy điện tại Việt Nam.

   Các tập đoàn lớn khác của Mỹ gồm Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, GE và McDermott ký thỏa thuận phát triển dự án điện từ khí hóa lỏng ở Bạc Liêu với tổng giá trị đầu tư lên đến 4 tỷ USD.

    Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đánh giá đây là mô hình tiêu biểu cho quan hệ song phương Việt - Mỹ về thương mại, đầu tư và an ninh năng lượng. Nó cũng mở ra chân trời mới cho các hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Việt Nam.

Nguồn: Vietnam Finace