EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Đến nay hơn 20 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có hơn 100 ca nghi mắc xảy ra tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Các nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống. Vậy, Việt Nam đã có những ứng phó thế nào để 'ngăn' dịch bệnh này xâm nhập?      

Đến nay hơn 20 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có hơn 100 ca nghi mắc xảy ra tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Các nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống. Vậy, Việt Nam đã có những ứng phó thế nào để 'ngăn' dịch bệnh này xâm nhập?

Giới chức y tế toàn cầu bày tỏ quan ngại về việc số ca nhiễm đậu mùa khỉ gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh

Cách đây vài ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới, kêu gọi các nước tăng cường giám sát dịch bệnh.

Vốn là một căn bệnh đặc hữu có nguồn gốc từ khu vực Trung Phi và Tây Phi nhiều năm qua, đậu mùa khỉ trong những tuần qua bất ngờ lan rộng sang các khu vực khác, chưa rõ nguyên nhân. Khoảng 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này.

Dịch đậu mùa khỉ lây lan nhanh ở hơn 20 quốc gia, Việt Nam làm gì để ứng phó? - Ảnh 1.

Đến nay hơn 20 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có hơn 100 ca nghi mắc xảy ra tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này

Hiện thế giới chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ, song giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc số ca nhiễm gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh.

Trao đổi với báo giới, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo khi việc giám sát mở rộng, song lưu ý sự lây lan căn bệnh này có thể kiểm soát được.

Bà Maria Van Kerkhove kêu gọi các chuyên gia y tế coi bệnh đậu mùa khỉ là một khả năng khi chẩn đoán các bệnh nhân bị phát ban đến thăm khám tại các phòng khám sức khỏe tình dục, khoa cấp cứu, phòng khám bệnh truyền nhiễm và phòng khám da liễu.

Bà giải thích điều này không có nghĩa là bất cứ ai bị phát ban đều sẽ bị bệnh đậu mùa khỉ, nhưng cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này và đảm bảo rằng các quốc gia có đủ năng lực để xét nghiệm và cung cấp thông tin phù hợp.

Việt Nam ứng phó để ngăn chặn, phát hiện sớm dịch đậu mùa khỉ thế nào?

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào, tuy nhiên ngành y tế đã triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm.

Ngay từ sáng 23/5, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Tiếp sau đó, một loạt văn bản, hướng dẫn chuyên môn được Bộ Y tế đưa ra để đề nghị các địa phương tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ ngay tại cửa khẩu và các cơ sở y tế.

  • Dịch đậu mùa khỉ 'nóng' trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế

    Dịch đậu mùa khỉ 'nóng' trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế

     

    ĐỌC NGAY

     

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khi và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cả nước về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tiếp sau đó, Cục Y tế dự phòng đã gửi Công văn 551/DP-DT đến các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung cụ thể để giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tại văn bản này, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan).

Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời:

Dịch đậu mùa khỉ lây lan nhanh ở hơn 20 quốc gia, Việt Nam làm gì để ứng phó? - Ảnh 3.

Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ đang 'nóng' tại nhiều quốc gia Đồ hoạ: Kim Dung

+ Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

+ Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.

+ Che miệng khi ho, hắt hơi.

+ Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

+ Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

+ Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chủ động phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán và đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ.

Những kịch bản ứng phó bệnh đậu mùa khỉ tại TP HCM

Tại TP HCM, Sở Y tế thành phố cũng đã yêu cầu Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) chuẩn bị kịch bản như trên để xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

Sở Y tế TP HCM chia ba mức độ liên quan đến bệnh này, là nghi ngờ mắc, có thể mắc và trường hợp xác định. Trong đó, nhóm nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ là người mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân; có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng kể từ ngày 15/3 như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Trường hợp có thể mắc là người trong nhóm nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của người nghi hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng, có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng...

Dịch đậu mùa khỉ lây lan nhanh ở hơn 20 quốc gia, Việt Nam làm gì để ứng phó? - Ảnh 5.

Máy đo thân nhiệt hành khách tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất - TP HCM Ảnh: Báo Công lý

Người được xác định bệnh khi có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với virus đậu mùa khỉ. Trường hợp được loại trừ là nghi ngờ nhưng kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus đậu mùa khỉ.

Các cửa khẩu tại TP HCM tăng cường giám sát bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng đậu mùa khỉ ở người nhập cảnh; trạm y tế là nơi tiếp nhận khai báo nghi mắc bệnh này.

Theo đó, trạm y tế địa phương sẽ tiếp nhận trường hợp khai báo có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh này và hướng dẫn đến các cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời. Nếu sàng lọc, phát hiện ca nghi, bệnh viện báo HCDC xử lý.

--------------------------

Bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ không có khả năng phát triển thành đại dịch.

Hiện nay đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 30 quốc gia trên thế giới, với hơn 550 ca mắc, nghi mắc được ghi nhận. Trong đó có hơn 100 ca nghi mắc xảy ra ở các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Tuy nhiên, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng người dân nên bình tĩnh vì đậu mùa khỉ ít có khả năng bùng phát thành dịch như COVID-19.

Theo BS. Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đậu mùa khỉ không phải bệnh hiếm và không phải là bệnh mới được phát hiện. Đậu mùa khỉ đã xuất hiện những đợt dịch cục bộ, rải rác ngoài vùng Châu Phi từ lâu nhưng cũng tự ổn định mà không cần can thiệp nhiều.

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ cũng khó lây lan, chỉ lây qua tiếp xúc cơ thể, giọt dịch bắn... đặc biệt là chỉ khi các ca bệnh bắt đầu khởi phát triệu chứng mới có khả năng lây lan. Do đó tính lây lan của bệnh không thể như các loại virus có khả năng phát tán trong không khí. Vậy nên việc đậu mùa khỉ bùng phát thành dịch là rất thấp".

Chuyên gia lý giải tại sao đậu mùa khỉ khó có khả năng thành đại dịch - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định đậu mùa khỉ rất khó bùng phát thành dịch.

Cùng ý kiến, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, đậu mùa khỉ rất khó bùng phát thành đại dịch như COVID-19, nếu bùng phát thì cũng chỉ ở phạm vi hẹp, cấp quốc gia hoặc bé hơn theo từng vùng.

Các chuyên gia khuyên rằng, người dân không cần quá lo lắng và nên lắng nghe các thông tin, khuyến cáo chính thống từ Bộ Y tế để chủ động trong phòng và kiểm soát dịch bệnh.

Bệnh chỉ lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối, đệm... từ người bệnh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), triệu chứng phát ban của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến mụn nước hoặc mụn mủ nằm sâu, chắc hoặc cứng, các tổn thương có thể lõm xuống hoặc tụ lại và tiến triển thành vảy theo thời gian.

Các triệu chứng biểu hiện thường bao gồm sốt, ớn lạnh, nổi các nốt mụn nước, phát ban đặc biệt là sưng hạch bạch huyết… Bệnh đậu mùa khỉ thường tự giới hạn nhưng có thể nghiêm trọng ở một số đối tượng như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do các tình trạng sức khỏe khác.

BS. Trương Hữu Khanh cho rằng: "Theo các nghiên cứu cho thấy, vaccine phòng đậu mùa có khả năng chống lại virus gây bệnh đậu mùa khỉ tới 80%. Loại vaccine này đã có từ rất lâu và đa số người dân đều đã được tiêm chủng đầy đủ vậy nên người dân không cần quá lo lắng".

Cho tới hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine phòng đậu mùa khỉ. Các chuyên gia cũng cho rằng việc tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ thời điểm này là chưa thực sự cần thiết vì hiện nay bệnh chỉ mới xuất hiện ở một số nước Châu Phi và Châu Âu. Người dân không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan trước bệnh đậu mùa khỉ.

Nguồn: Sức khỏe và Đời sống