EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp - đơn vị quản lý 3 nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Krông Nô, chảy qua hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Trong đó có hồ thủy điện Buôn Tua Srah là hồ chứa lớn nhất trên lưu vực sông, đảm nhận vai trò điều tiết nước cho hạ du, tác động trực tiếp đến các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của hai tỉnh.

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nguồn nước trên các sông, suối đang giảm nhanh trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tăng cao. Điều tiết nước để duy trì sự ổn định sản xuất, hài hòa giữa các bên là điều cần thiết.

 

Huyện Krông Nô đề xuất các thủy điện trên sông Krông Nô vẫn xả nước về hạ du kể cả thời điểm không phát điện.

Ông Doãn Gia Lộc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, với diện tích canh tác lớn (gần 35.000 ha), mỗi mùa khô, một số diện tích cây trồng trên địa bàn huyện xảy ra hạn. Năm nay, tình hình khô hạn được dự báo diễn ra khốc liệt, huyện đang chủ động làm việc với các đơn vị quản lý các hồ, đập trên lưu vực các sông suối lớn để điều tiết nước cho các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, việc điều tiết nước từ các hồ thủy điện trên sông Krông Nô là quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục nghìn héc ta cây trồng tại 7 xã ven sông của huyện.

Cũng theo ông Doãn Gia Lộc, hiện nay vào ban ngày ngành điện ưu tiên cho điện mặt trời lên lưới, hạn chế thủy điện, lượng nước xả về hạ du thấp. Trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, do đó huyện đề xuất các thuỷ điện vẫn phải xả nước về hạ du kể cả thời điểm không phát điện:“Chúng tôi làm việc với Thủy điện Buôn Kuốp - Công ty sử dụng hồ Buôn Tua Srah phục vụ hạ du và một chuỗi thủy điện ở hạ du về việc điều tiết nước. Giờ cao điểm khi điện mặt trời lên lưới thì hầu như A0 sẽ không huy động các tổ máy thủy điện. Chúng tôi phải phối hợp Thủy điện Buôn Kuốp, từ thời điểm 10h sáng đến 15h chiều công ty ngừng, nhưng từ 15h chiều đến 9h sáng hôm sau công ty sẽ phải thực hiện điều tiết nước phục vụ sản xuất, mặc dù có hòa máy hay không”.

 

Ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (bên phải) cho biết, Công ty thực hiện cam kết nhưng địa phương cũng cần chủ động thực hiện giải pháp công trình để ứng phó với khô hạn.

Ông Trần Văn Khánh - Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, năm nay hiện tượng El Nino rất rõ, lượng mưa và lưu lượng nước về hồ rất thấp so với những năm trước. Mặc dù cuối năm 2023 hồ Buôn Tua Srah có dung tích 522 triệu mét khối đã cơ bản tích đầy nước, nhưng để cung cấp nước trong suốt 7 tháng mùa khô thì đòi hỏi phải điều tiết hợp lý. Do đó, Công ty đã làm việc với các huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để nắm thông tin về nhu cầu sử dụng nước của địa phương, lên kế hoạch điều tiết nước trên cơ sở tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Người dân các địa phương thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang tổ chức nạo vét kênh dẫn vào các trạm bơm dọc sông Krông Nô

Thời điểm này, bước vào cao điểm mùa khô, lượng nước về hồ Buôn Tua Srah khoảng 20m3/s, ngày thấp chỉ 16m3/s, nhưng hồ đang xả với lượng bình quân hơn 60m3/s. Thời gian xả nước từ 15h chiều hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Phía thuỷ điện cũng đã chủ động cử cán bộ, nhân viên đi dọc các bờ sông xem xét các trạm bơm, kênh mương của các địa phương. Qua đó, phát hiện một vài nơi chưa chủ động triển khai các giải pháp công trình, chưa bám sát với chỉ đạo của Thủ tướng về các giải pháp mùa khô hạn.

Ông Trần Văn Khánh đề nghị: “Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông về việc ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, một mặt chúng tôi phối hợp để đảm bảo cung cấp nước. Mặt  khác, chúng tôi cũng đi dọc theo bờ sông kiểm tra. Ngoài việc phía công ty cố gắng tuân thủ việc điều tiết nước thì cũng kiến nghị các địa phương quan tâm tổ chức nạo vét các kênh dẫn vào các trạm bơm, rồi có các giải pháp công trình khi mà mực nước sông Krông Nô bị tụt sâu xuống thì cũng phải có giải pháp. Ví dụ hạ thấp đế bơm hay nối ống… để đảm bảo khả năng bơm tưới hiệu quả, không được chủ quan”.