EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Nhắc đến Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (gọi tắt là Nhiệt điện Ninh Bình), có thể hình dung đây là một Công ty có công suất phát điện nhỏ (4 tổ máy với tổng công suất 100 MW), nằm trong lòng thành phố. Nhưng, điểm đáng nói nhất về Nhiệt điện Ninh Bình là ở nỗ lực

Nhắc đến Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (gọi tắt là Nhiệt điện Ninh Bình), có thể hình dung đây là một Công ty có công suất phát điện nhỏ (4 tổ máy với tổng công suất 100 MW), nằm trong lòng thành phố. Nhưng, điểm đáng nói nhất về Nhiệt điện Ninh Bình là ở nỗ lực "phi thường" của tập thể ban lãnh đạo, người lao động Công ty nhằm cải tiến năng suất lao động, khắc phục khó khăn và những bài học "sống còn" trong câu chuyện bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là yếu tố "sống còn"

Nhiệt điện Ninh Bình trước đây là một nhà máy nhiệt điện than, sử dụng công nghệ cũ, được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh trên một địa hình chật hẹp nên nhà máy gặp không ít khó khăn trong việc cùng lúc thực hiện những mục tiêu quan trọng đó là sản xuất đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Những năm cuối của thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, nguồn điện quốc gia luôn trong tình trạng thiếu nên Công ty phải vận hành hết khả năng và không có điều kiện để củng cố, sửa chữa thiết bị kịp thời, do đó, Công ty nằm trong danh sách một trong những đơn vị gây ô nhiễm có nguy cơ đóng cửa, vì vậy, yếu tố sống còn và cấp bách để tồn tại là Công ty phải cải tạo, áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường.

Ngay từ giai đoạn đó, tập thể Lãnh đạo, người lao động Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình luôn tâm niệm trách nhiệm phải nghiêm túc thực hiện tốt Luật Môi trường và áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường.

Tổng giám đốc Trịnh Văn Đoàn chia sẻ, vì Công ty nằm trong thành phố, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, nếu không, không thể tồn tại.

Hàng cây bao quanh khuôn viên Công ty từ nhiều năm nay vẫn xanh tốt

Theo đó, liên tục từ năm 1996 đến nay, Công ty đã tập trung triển khai nhiều hạng mục phục hồi cải tiến, nâng cấp thiết bị, đầu tư cho công nghệ bảo vệ môi trường. Cụ thể, Công ty đã phối hợp với Viện Năng lượng cải tiến các bộ vòi đốt lò sang kiểu vòi đốt UD đã giảm thiểu phát thải Nox trong khói thải. Năm 1973, Nhà máy có 1 ống khói cao 80m, đến năm 1998, bổ sung thêm ống khói thứ 2 cao 130m và đưa vào vận hành hệ thống khử bụi tĩnh điện với công nghệ tiên tiến đạt hiệu suất 99,21%.

Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Công ty đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình tiến hành lắp đặt hệ thống giám sát môi trường khí thải online. Theo ông Đỗ Việt Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty, "Các thông số khí thải liên tục được truyền về Sở, được Sở giám sát chặt chẽ. Nếu một chỉ số nào vượt giới hạn sẽ chuyển thành màu vàng, Sở sẽ trực tiếp gọi điện đến Công ty yêu cầu điều chỉnh để đáp ứng tiêu chuẩn". "Tuy nhiên, các thông số của Công ty luôn đảm bảo trong giới hạn cho phép" - ông Đỗ Việt Hòa khẳng định...

Ông Đỗ Việt Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật trao đổi về công tác giám sát, bảo vệ môi trường của Công ty

Một trong các nhiệm vụ có tính chuyên môn, lâu dài mà công ty luôn xác định hàng đầu là giáo dục ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, Người lao động Công ty phải thường xuyên quan tâm bảo vệ môi trường. Bên cạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng An toàn lao động, Ngày môi trường thế giới, Ngày làm cho thế giới sạch hơn…, hàng ngày, tuần và tháng, công ty phát động các phong trào tình nguyện quét dọn vệ sinh tại khu vực sản xuất và khu nhà ở. Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường với hoạt động sản xuất, coi đây là thước đo đánh giá công tác thi đua khen thưởng thông qua các phong trào thi đua “Ca vận hành an toàn, kinh tế”, “kíp vận hành giỏi”…

Đàn cá bơi lội giữa dòng kênh của Công ty

Nhằm chuẩn hóa hoạt động bảo vệ môi trường, hàng năm theo định kỳ, Công ty phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, phân tích, kiểm tra môi trường và lập Báo cáo kiểm soát ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy mà điều kiện lao động, môi trường sản xuất đã được cải thiện đáng kể, các yếu tố nguy hiểm, độc hại giảm nhanh, độ an toàn lao động được đảm bảo và môi trường công ty ngày càng xanh - sạch - đẹp, nhận được sự ủng hộ người dân địa phương.

Ông Trịnh Văn Đoàn - Tổng giám đốc Công ty cho biết, tình hình tiêu thụ tro xỉ tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình đang thực hiện tốt. Lượng tro xỉ cơ bản khai thác hết không tồn đọng. Các Đơn vị thu gom đều có chức năng vận chuyển, xử lý tro xỉ làm vật liệu xây dựng theo đúng quy định hiện hành và đang tiếp tục thu gom tro xỉ theo hợp đồng đã ký kết, hạn chế việc lưu trữ tro xỉ tại bãi xỉ, đảm bảo không để gây phát tán, ảnh hưởng đến môi trường.

Thành phố Ninh Bình không còn "Buồn, bụi và bẩn" như câu chuyện được chia sẻ cách đây gần 30 năm trước. Giờ đây, Ninh Bình là thành phố năng động, phát triển và "xanh, sạch, đẹp" vì Công ty nhiệt điện ngay trong lòng thành phố được đảm bảo nghiêm ngặt để gìn giữ môi trường. Không gian xanh mát, rộng và thoáng trong khuôn viên của Công ty hòa chung với những dãy phố, liền khu dân sinh - đó là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường của Nhiệt điện Ninh Bình đã và đang đi đúng hướng, thiết thực và hiệu quả.

Phát huy tối đa công suất, đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện

Năm 2020, theo dự báo của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục là năm phải huy động tối đa khả năng phát điện của các nhà máy nhiệt điện, nhất là các nhà máy nhiệt điện than, yêu cầu các nhà máy phải vận hành từ 6.000 – 7.000 giờ. Kế hoạch dự kiến huy động vận hành đối với Công ty là khoảng 6.500 giờ. Tuy nhiên, nguồn than dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, việc cung cấp không ổn định và không kịp thời, đặc biệt trong các tháng mùa khô. Đây sẽ là một khó khăn lớn đối với việc điều hành sản xuất và vận hành thiết bị của Công ty trong năm 2020.

Đứng trước khó khăn và áp lực trên, Công ty đã chủ động thường xuyên nắm bắt yêu cầu huy động của hệ thống điện, nắm bắt diễn biến tình hình cung cấp than từng ngày, chủ động trực tiếp gặp gỡ với các đơn vị cung cấp than để phối hợp, thực hiện các giải pháp linh hoạt, từng bước tháo gỡ khó khăn để có than cho sản xuất.

Bên cạnh đó, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu giải pháp kỹ thuật vận hành, chế độ đốt cháy lò hơi ở nhiều chế độ khác nhau để có thể đốt được các chủng loại than khác với các tỷ lệ phối trộn khác nhau, kể cả than sản xuất trong nước cũng như than nhập khẩu; mặt khác Công ty cũng thực hiện việc tăng cường công tác quản lý nhiên liệu, sử dụng hợp lý nguồn nhiên liệu bằng giải pháp pha trộn các loại than.

Để đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện, phát huy tối đa công suất, Công ty đã thực hiện các giải pháp sau:

Một, về công tác vận hành: xây dựng kế hoạch và phương thức phát điện, sửa chữa hàng tháng hợp lý để đáp ứng yêu cầu của Hệ thống điện, đặc biệt là các tháng mùa khô; phối hợp chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo cung ứng kịp thời nguyên, nhiên liệu; tiếp tục tăng cường công tác bồi huấn…

Hai, đảm bảo tiến độ, chất lượng các hạng mục sửa chữa lớn, đưa vào vận hành tin cậy và an toàn, thực hiện tiết kiệm chi phí vật tư, nhân công….

Ba, nâng cao hiệu quả vận hành: thực hiện tốt cocong tác theo dõi, quản lý tình trạng thiết bị, lập lịch bảo dưỡng phù hợp…

Bốn, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động sản xuất, tối ưu cho sản xuất nhằm đảm bảo thiết bị vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả và đảm bảo các yêu cầu về môi trường…

Ông Trần Anh Tấn - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá cao công tác bảo vệ môi trường của Công ty, được Lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Phó Cục trưởng cho biết, yêu cầu về môi trường sẽ ngày càng cao, vì vậy, tập thể Lãnh đạo Công ty cần tiếp tục quan tâm và đưa thêm công nghệ, không ngừng đổi mới để đáp ứng các quy định pháp luật, phát triển Công ty theo hướng xanh, bền vững.

Bảo vệ môi trường cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và được Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt trong nhiều năm qua. Mục tiêu thông suốt "đáp ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt song song với bảo vệ môi trường".

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương