UBND tỉnh vừa có Quyết định phê duyệt Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện Sông Hinh năm 2023.
Theo đó, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện Sông Hinh, gồm các nội dung chính như sau:
Về sơ đồ mặt bằng đập: Phương án đã thể hiện đầy đủ các công trình đầu mối (gồm: đập chính; các đập phụ số 3, 7, 8, 9, 10, 12, 13; tràn xả lũ; tràn sự cố; cửa nhận nước) thủy điện Sông Hinh để xây dựng và triển khai các hoạt động ứng phó phù hợp với các tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập.
Về sơ đồ hồ chứa và vùng hạ du: Phương án đã thể hiện khu vực lòng hồ chứa thủy điện Sông Hinh và xác định được vùng hạ du bị ngập lụt khi hồ xả nước theo quy trình, xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập.
Các tình huống xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập và biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du gồm 7 kịch bản cụ thể: Kịch bản 1: Lũ đến đập thủy điện Sông Hinh tần suất lũ kiểm tra P = 0,1%, lũ đến đập thủy điện Sông Ba Hạ tần suất lũ kiểm tra P= 0,1% và mưa hạ lưu có tần suất tương ứng. Kịch bản 2: Lũ đến đập thủy điện Sông Hinh tần suất lũ thiết kế P = 0,5%, lũ đến đập thủy điện Sông Ba Hạ tần suất lũ thiết kế P= 0,5% và mưa hạ lưu có tần suất tương ứng. Kịch bản 3: Lũ đến đập thủy điện Sông Hinh tần suất lũ P = 5%, lũ đến đập thủy điện Sông Ba Hạ tần suất lũ P= 5% và mưa hạ lưu có tần suất tương ứng. Kịch bản 4: Lũ đến đập thủy điện Sông Hinh tần suất lũ P = 10%, lũ đến đập thủy điện Sông Ba Hạ tần suất lũ P= 10% và mưa hạ lưu có tần suất tương ứng. Kịch bản 5: Đập chính bị tràn đỉnh gây vỡ do cửa van bị kẹt khi có lũ đến hồ thủy điện Sông Hinh tần suất lũ P = 0,1%, lũ đến hồ thủy điện Sông Ba Hạ tần suất lũ P= 0,1% và mưa hạ lưu có tần suất tương ứng. Kịch bản 6: Vận hành đập sự cố (vỡ đập sự cố) do cửa van bị kẹt khi có lũ đến hồ thủy điện Sông Hinh tần suất lũ P = 0,1%, lũ đến hồ thủy điện Sông Ba Hạ tần suất lũ P= 0,1% và mưa hạ lưu có tần suất tương ứng. Kịch bản 7: Đập chính bị vỡ trong ngày nắng do xói ngầm khi xảy ra động đất vượt thiết kế, xuất hiện các vết nứt thân và nền đập.
Việc thông tin cảnh báo xả lũ hồ chứa được thực hiện theo hình thức còi hụ tại đập tràn, nhà máy và các trạm cảnh báo xả lũ từ xa, các cột mốc cảnh báo lũ và biển báo được lắp đặt tại các vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện Sông Hinh.
Trách nhiệm truyền tin của chủ đập, hồ chứa thủy điện đến các cấp chỉ huy và các đơn vị có liên quan được thực hiện theo một trong các hình thức như sau: Bằng fax, chuyển bản tin bằng mạng vi tính, báo cáo trực tiếp qua điện thoại, báo cáo bằng văn bản hoặc các hình thức khác.
Trách nhiệm của Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh trước mùa mưa lũ hàng năm, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác kiểm tra, duy tu, khắc phục các hư hỏng (nếu có), đánh giá tình trạng an toàn công trình và báo cáo hiện trạng an toàn đập theo quy định; tổ chức diễn tập tại khu vực nhà máy thủy điện Sông Hinh theo phương châm “04 tại chỗ” để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du. Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân cách nhận biết tín hiệu còi báo xả lũ, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập; thực hiện chế độ quan trắc, cung cấp thông tin, số liệu, báo cáo, cảnh báo, báo động đến chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai và người dân khu vực bị ảnh hưởng theo quy định để kịp thời sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Trường hợp xảy ra sự cố có thể gây mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện Sông Hinh, Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh phải triển khai cứu hộ khẩn cấp, xử lý khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo UBND tỉnh Phú Yên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để ứng cứu, hỗ trợ và kịp thời triển khai kế hoạch ứng phó.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ chứa, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi hồ xả nước. Quyết định theo thẩm quyền biện pháp xử lý khẩn cấp, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai trong trường hợp xảy ra lũ, ngập lụt do sự cố đập gây thiệt hại cho vùng hạ du đập trên địa bàn tỉnh. Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với Ban Chỉđạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để hỗ trợ, xử lý.
Các sở, ngành và địa phương liên quan: Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập, đảm bảo an toàn công trình và dân cư vùng hạ du.
Đối với phương án huy động vật tư, phương tiện, nhân lực khi xảy ra tình huống khẩn cấp: Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN để triển khai thực hiện công tác PCTT tại khu vực Nhà máy thủy điện Sông Hinh; đồng thời có phương án chuẩn bị, dự trữ vật tư, phương tiện, dụng cụ, thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc, nguồn điện dự phòng…để sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ đập an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” khi xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.
Công thông tin điện tử Phú Yên
Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
28/04/2025 - 54 lượt xem

Tăng liên kết điện khí: Giải mã từ NSMO và PV GAS
11/04/2025 - 65 lượt xem

Công đoàn ĐLVN: Biểu dương 81 An toàn vệ sinh viên giỏi tiêu biểu năm 2025.
22/03/2025 - 57 lượt xem