EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

(PLVN) - Gần 30 năm kể từ khi ra đời Cụm Nhiệt điện khí Phú Mỹ cho đến bây giờ, đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư Nhiệt điện khí LNG Quảng Trạch II, trị giá tỷ đô, EVN đã có trong tay một đội ngũ nhiều kinh nghiệm đầu tư, vận hành các dự án năng lượng sạch.

Cụm Nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 4 nhà máy điện sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, gồm : Phú Mỹ 1 (hơn 1.100 MW), Phú Mỹ 2.1 (477 MW), Phú Mỹ 2.1 mở rộng (468 MW) và Phú Mỹ 4 (hơn 400 MW).Trong đó nhà máy đầu tiên ra đời vào năm 1997.

Để quản lý, vận hành các nhà máy điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên nội địa, EVN đã sớm đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ, vận hành, sửa chữa các nhà máy.

“Việc vận hành ổn định, liên tục nhiều năm qua của cụm Nhiệt điện khí Phú Mỹ đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Đinh Quốc Lâm - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), đơn vị trực tiếp quản lý các nhà máy nêu trên cho biết.

Ngoài các nhà máy ở Phú Mỹ do EVN đầu tư, từ 1/3/2024, Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện (đơn vị thành viên của EVNGENCO3) đã chính thức tiếp quản Nhà máy Nhiệt điện khí BOT Phú Mỹ 3, sau khi dự án này hết thời hạn theo hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp nhận quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện khí Phú Mỹ 3 sau khi kết thúc Hợp đồng BOT với nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp nhận quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện khí Phú Mỹ 3 sau khi kết thúc Hợp đồng BOT với nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Mai Văn Thạnh - Trưởng ban Quản lý Đầu tư Xây dựng (EVNGENCO3) - cho hay, với kinh nghiệm tích lũy được trong 26 năm vận hành, sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện công suất lớn, trong đó có các nhà máy điện khí, đơn vị thành viên của “Tổng” này đã tiếp quản, vận hành ổn định Nhà máy Phú Mỹ 3, một nguồn điện được thiết kế để mỗi năm cấp lên lưới quốc gia khoảng 5 tỷ kWh điện.

Được coi là “ông trùm” về nhiệt điện khí ở Việt Nam hiện nay, đại diện EVNGENCO3 khẳng định nguồn nhân lực của đơn vị đủ khả năng quản lý, bảo trì, sửa chữa các cấu phần của một nhà máy điện tua bin khí, trừ chi tiết đặc thù như cánh tua bin phải nhập khẩu từ các nhà sản xuất trên thế giới.

“Quá trình vận hành hiện nay, các nhà máy điện đang đối mặt với tình trạng nguồn khí nội địa ngoài Biển Đông đang dần cạn kiệt, nên phải phụ thuộc vào khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu, với giá thành khá cao. Tuy nhiên, lợi điểm lớn nhất của nhiệt điện khí là sạch, hạn chế được ô nhiễm môi trường”, lời ông Mai Văn Thạnh.

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, thực hiện Quy hoạch điện VIII, đầu tháng 9/2024, UBND tỉnh Quảng Bình và EVN đã công bố điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhiệt điện LNG Quảng Trạch II, theo tinh thần chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, với 2 tổ máy có công suất thiết kế lên tới 1.500 MW, trị giá hơn 52.000 tỷ đồng.

“Việc chuyển đổi từ nhiên liệu than sang khí LNG ở Quảng Trạch II là một quyết định phù hợp với quy hoạch điện lực trong nước và xu thế chung của thế giới về phát triển năng lượng sạch, ít phát thải CO2”, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh nói và cho biết, đại diện chủ đầu tư đang khẩn trương cho ngày khởi công dự án điện khí đầu tiên ở Bắc miền Trung.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, EVN và Ban Quản lý dự án điện II kiểm tra Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, nơi sắp tới khởi công Nhiệt điện khí Quảng Trạch II, trị giá hơn 52.000 tỷ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, EVN và Ban Quản lý dự án điện II kiểm tra Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, nơi sắp tới khởi công Nhiệt điện khí Quảng Trạch II, trị giá hơn 52.000 tỷ.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm đầu tư, vận hành các dự án điện khí, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng EVNGENCO3 Mai Văn Thạnh - cho biết, với ưu điểm sạch hơn điện than, do đó việc lập và thông qua Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với Dự án Nhiệt điện khí LNG Quảng Trạch II do Ban Quản lý dự án điện II (EVN) làm đại diện chủ đầu tư - có thể sẽ thuận lợi hơn so với quy trình thẩm duyệt ĐTM của một dự án điện chạy than.

“Theo tính toán, nếu các yếu tố liên quan như nguồn lực, mặt bằng thi công thuận lợi, thì việc xây dựng, lắp đặt một nhà máy điện khí sẽ kéo dài trong khoảng từ 18 - 24 tháng”, ông Thạnh nói.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên - đạt khoảng 14 -18 tỷ m3 vào năm 2030 và 13 - 16 tỷ m3 vào năm 2045.

Phát triển điện khí LNG sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường, không gặp tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời...