EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Trước những ý kiến lo ngại tro xỉ do các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than thải ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn nhiệt điện và Điện hạt nhân (Viện Năng lượng) - để làm rõ hơn vấn đề này.


Trước những ý kiến lo ngại tro xỉ do các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than thải ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn nhiệt điện và Điện hạt nhân (Viện Năng lượng) - để làm rõ hơn vấn đề này.

Ông có thể cho biết đôi nét về công nghệ xử lý tro xỉ than tại Việt Nam hiện nay?

Trước hết, có thể khẳng định, việc tăng sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo và LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như không thể thay thế hoàn toàn nhiệt điện than. Các dự án nhiệt điện than đang được triển khai nhằm đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện tại, các NMNĐ than ở Việt Nam áp dụng 2 công nghệ: Công nghệ đốt than phun (PC) nhằm tận dụng nguồn than trong nước (than antraxit chất lượng cao) và than nhập khẩu (than bitum, á bitum); công nghệ đốt than tầng sôi tuần hoàn (CFB) nhằm tận dụng các nguồn than xấu trong nước (than antraxit phẩm cấp thấp, than nâu). Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng công suất của các NMNĐ than khoảng 55.300MW, tiêu thụ 129 triệu tấn than, chủ yếu là đốt than phun với nguồn than nhập khẩu sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn than trong nước.

Công nghệ xử lý tro xỉ thực chất phụ thuộc vào công nghệ đốt than, mà công nghệ đốt than lại phụ thuộc vào loại than. 2 công nghệ đốt than mà các NMNĐ đang áp dụng chủ yếu để tiêu thụ nguồn than trong nước (than antraxit), mà loại than này chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng than toàn thế giới. Hiện tại, nguồn than trong nước của chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, phải nhập khẩu than cho sản xuất điện.


TS. Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn nhiệt điện và Điện hạt nhân (Viện Năng lượng)

Vậy, công nghệ đốt và nhiên liệu đầu vào tại các NMNĐ than của Việt Nam sẽ cho ra chất lượng tro xỉ như thế nào, thưa ông?

Đối với công nghệ PC cho sản xuất điện, hiện nay, chúng ta chủ yếu có các tổ máy gam công suất 300MW và 600MW (Nhiệt điện Phả Lại II; Hải Phòng I, II; Quảng Ninh; Vũng Áng I; Vĩnh Tân I, II... sử dụng than antraxit cám 5; Nhiệt điện Vĩnh Tân IV, IV mở rộng; Duyên Hải III, III mở rộng... sử dụng than nhập khẩu là bitum và á bitum) còn gam công suất dưới 300MW/tổ máy hiện nay chỉ còn Nhiệt điện Ninh Bình, Phả Lại I. Công nghệ PC sẽ thải ra lượng tro xỉ sau sản xuất có tỷ lệ khoảng 85%/15% (85% tro bay và 15% xỉ thải đáy, hàm lượng tro xỉ chủ yếu là ôxít kim loại).

Đối với than nhập khẩu, các NMNĐ than của Việt Nam đại đa số đang sử dụng than với tỷ lệ trộn 30% bitum và 70% á bitum. Đặc tính của than bitum là độ ẩm thấp, độ tro thấp, độ bốc cháy cao nên sinh nhiệt cao; còn á bitum thì độ tro thấp, độ ẩm cao, chất bốc cao, dễ cháy. Tỷ lệ tro xỉ của than bitum chỉ khoảng 5 - 7% và á bitum từ 15 - 20%. Khi trộn hai loại nhiên liệu này, tỷ lệ tro xỉ thải ra sau đốt vào khoảng 15%.

Đối với công nghệ CFB, chúng ta có các nhà máy như: Na Dương I (công suất 110MW), Mạo Khê (công suất 440MW) hay Hải Dương (công suất 1200 MW)… sử dụng nguồn than trong nước, lượng tro xỉ thải ra với tỷ lệ 50/50%. Hàm lượng tro xỉ ngoài các ôxít kim loại với công nghệ này còn có chứa hàm lượng các chất như: Đá vôi (CaO), sun phát can xi (CaSO4) là các sản phẩm từ quá trình khử lưu huỳnh trong buồng đốt và các-bon còn lại ở trong tro.

Duy nhất Nhiệt điện Na Dương do sử dụng than khác biệt là than nâu nên hàm lượng các-bon còn lại ở trong tro xỉ vào khoảng 2 - 3% còn lại ở các nhà máy sử dụng than nội địa khác, hàm lượng này lên đến 12 - 17%, cá biệt có nhà máy lên đến 20%. Ở các nhà máy mới đầu tư sau, tỷ lệ này còn khoảng dưới 10% (như Nhiệt điện Vũng Áng), hay do một số NMNĐ sử dụng thêm than nhập khẩu trộn vào, cũng đạt tỷ lệ các-bon trong tro xỉ dưới 10% như Nhiệt điện Hải Phòng hiện nay.

Với hàm lượng tro trong than và khối lượng than sử dụng, lượng tro xỉ thải ra hàng năm của các NMNĐ đã vận hành và nằm trong quy hoạch điện đến năm 2030 (ước tiêu thụ khoảng 143 triệu thấn than/năm) khoảng 30 triệu tấn/năm.

Lượng tro xỉ của tất cả các nhà máy đang hoạt động đều đảm bảo tiêu chuẩn là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón, san lấp đường… không, thưa ông?

Mỗi loại công nghệ đốt đi kèm với mỗi loại than sẽ cho ra tỷ lệ tro xỉ và hàm lượng các chất còn lại trong tro xỉ cũng khác nhau. Tro xỉ của các NMNĐ than của Việt Nam với công nghệ PC thành phần chủ yếu là ôxít kim loại và hàm lượng các bon còn lại trong tro. Ở các nhà máy sử dụng than nhập khẩu, hàm lượng các-bon này chỉ khoảng 2 - 5%, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng; ví dụ như NMNĐ Fomosa Đồng Nai không có bãi chứa tro xỉ do lượng tro xỉ thải ra được bán hết. Các nhà máy sử dụng than nội địa công nghệ PC khác, với hàm lượng các-bon còn lại trong tro cao, tuy cần xử lý thêm nhưng lượng tiêu thụ đang ngày càng khả quan.

Lượng tro xỉ mà xã hội đang quan ngại hiện nay chủ yếu là do các nhà máy sử dụng than nội địa với công nghệ CFB trong thành phần có thêm sản phẩm của quá trình khử lưu huỳnh, muốn sử dụng phải có thêm các khâu tiền xử lý. Những dự án mới của Việt Nam đều sử dụng than nhập khẩu nên lượng tro xỉ thấp, nếu làm tốt, sẽ được sử dụng hết cho làm vật liệu xây dựng hoặc một số lĩnh vực khác phục vụ phát triển kinh tế.

Đối với những nơi mà mật độ các NMNĐ than dày như Bình Thuận hay Quảng Ninh, theo ông, cần có thêm khuyến cáo nào về công nghệ xử lý tro xỉ?

Vấn đề tro xỉ gây ô nhiễm môi trường không phải do công nghệ của các nhà máy mà nguyên nhân từ công tác quản lý và kiểm soát an toàn, môi trường của các đơn vị này. Từ kinh nghiệm của NMNĐ Hải Phòng, nhờ sử dụng than trộn mà hàm lượng các-bon trong tro xỉ giảm, hiệu suất của nhà máy được nâng lên. Vì vậy, các NMNĐ khác có thể áp dụng giải pháp này, tuy nhiên, tỷ lệ trộn phụ thuộc vào từng điều kiện, công nghệ và loại than của nhà máy và phải có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ càng.

Đối với công tác quản lý, xử lý tro xỉ trong quá trình sản xuất của các NMNĐ than, đã có Quyết định số 456/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Nhiều NMNĐ than hiện nay, lượng tro xỉ đã được tiêu thụ để làm nguyên liệu sản xuất cho vật liệu xây dựng hoặc làm san lấp đường giao thông như: NMNĐ Mạo Khê, NMNĐ Hải Phòng, Nhiệt điện Uông Bí…

Sử dụng tro xỉ làm san lấp đường hay phân bón, vật liệu xây dựng… Mỗi nhu cầu sử dụng khác nhau sẽ có tiêu chuẩn tương ứng. Theo tiêu chuẩn ASTM (Mỹ), hàm lượng các-bon trong tro xỉ còn lại dưới 6% hoàn toàn thể sử dụng làm vật liệu xây dựng và nếu sử dụng trong dân sinh (san lấp đường), nếu có thành phần độc hại, các NMNĐ có trách nhiệm loại bỏ. Hiện, các mẫu tro xỉ của NMNĐ than của Việt Nam chưa phát hiện thấy có thành phần độc hại. Vì vậy, tuy để đưa vào sử dụng trong từng lĩnh vực, có thể phải xử lý thêm nhưng cần khẳng định, tro xỉ của NMNĐ than ở Việt Nam hiện nay không nên coi là chất thải (độc hại) mà nên coi là nguyên liệu đầu vào đáng quý, cung cấp chủ yếu cho ngành vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp, dân sinh khác.

Xin cảm ơn ông

Nguồn: Báo Công thương