EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong số ít doanh nghiệp được Chính phủ khen ngợi vì đã tích cực trong công tác xây dựng Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 30/12.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong số ít doanh nghiệp được Chính phủ khen ngợi vì đã tích cực trong công tác xây dựng Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 30/12.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngoài chức năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Cổng DVCQG còn là nơi tư vấn, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện các thủ tục; đồng thời có chức năng tiếp thu ý kiến góp ý của người dân về thủ tục hành chính, về sự điều hành của Chính phủ thông qua việc cung cấp dịch vụ Công.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá Cổng DVCQG đã thực hiện rất tốt các chức năng này trong thời gian qua.

Cổng DVCQG không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân; hạn chế điều kiện phát sinh tiêu cực; mà sâu xa hơn là Chính phủ thực hiện minh bạch hóa, công khai hóa toàn bộ hoạt động của mình trước nhân dân - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định. Đồng thời, qua đó, tiếp thu ý kiến của nhân dân để thực sự xây dựng Chính phủ phục vụ.

Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến còn là chỉ số quan trọng để cộng đồng quốc tế đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia, trực tiếp nhất là môi trường kinh doanh. Đồng thời là trụ cột để đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử ở các nước. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhờ sự đóng góp rất quan trọng của Cổng DVCQG, đã tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương Cổng DVCQG ngày 9/12/2019, đến ngày 30/12/2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao). Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

Sự đóng góp tích cực từ EVN

Ngay tại thời điểm khai trương hoạt động Cổng Dịch vụ công Quốc gia, EVN đã vinh dự được Chính phủ tin tưởng, lựa chọn cho phép tích hợp dịch vụ điện cấp điện mới qua lưới điện trung, hạ áp. Sau đó, chỉ 15 ngày sau khai trương cổng DVCQG, ngày 24/12/2019, EVN đã hoàn thành tích hợp 12/12 dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng.

Đến tháng 8/2020, ngay sau khi nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG được hoàn thành, EVN cũng là đơn vị đầu tiên chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện đã được tích hợp trên Cổng, sang Nền tảng thanh toán của Cổng theo đúng mô hình thiết kế. Tập đoàn cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, CBNV trong toàn Tập đoàn tạo tài khoản và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVCQG.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (đứng giữa), Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm (thứ hai, từ trái sang) chúc mừng các tập thể, cá nhân trong EVN được biểu dương tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia 

Để cải cách, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong dịch vụ điện, EVN đã thực hiện rà soát lại quy trình và loại bỏ các giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân (trừ trường hợp giấy xác nhận nhân thân của Công an phường, xã nếu khách hàng không có các giấy tờ tùy thân khác) và thay thế bằng các thông tin trên Website giao dịch trực tuyến và thông tin người dùng đã được Cổng DVCQG xác thực.

Bên cạnh đó, để thuận lợi cho khách hàng, trong Quy trình kinh doanh của EVN cho phép bổ sung giấy tờ còn thiếu (nếu có) khi thực hiện khảo sát hoặc thi công tại địa điểm của khách hàng. Điện lực có thể thực hiện chụp ảnh hồ sơ và kiểm chứng các thông tin này ngay tại địa điểm của khách hàng.

EVN cũng đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử, để thiết lập trải nghiệm điện tử trên toàn bộ hành trình trải nghiệm các dịch vụ điện của khách hàng.

Đến nay, sau 1 năm tích hợp, EVN đã cung cấp 100% các dịch điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng DVCQG. Số lượng yêu cầu các dịch vụ điện qua Cổng QVCQG đến ngày 30/11/2020 là gần nửa triệu yêu cầu, lượng hồ sơ đồng bộ lên Cổng là gần 1,5 triệu hồ sơ. Các dịch vụ điện luôn nằm trong nhóm các dịch vụ nổi bật của Cổng, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương được người dân và doanh nghiệp thực hiện trên Cổng DVCQG.

Về việc thực hiện cập nhật, công khai, quản lý dịch vụ của EVN trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, EVN đã thực hiện khai báo danh mục 100% các dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 đã được tích hợp với Cổng DVCQG lên trên hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ công quốc gia tại website do Văn phòng Chính phủ cung cấp. Các dịch vụ điện của EVN đều được công bố trên Cổng DVCQG.

Trong suốt thời gian vừa qua, công tác quản trị vận hành được EVN chỉ đạo phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đơn vị để đảm bảo hệ thống kết nối cung cấp dịch vụ được vận hành liên tục. Việc quản trị dịch vụ điện tại địa chỉ quantri.dichvucong.gov.vn được EVN thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện và phối hợp với VNPT xử lý thông tin, đảm bảo tính thống nhất giữa hệ thống Cổng DVCGQ và hệ thống cung cấp dịch vụ của EVN.

Dịp này, 1 tập thể và 2 cá nhân của EVN vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Cổng DVCQG.

Nguồn: EVN