EN

Tìm kiếm thông tin

Tìm theo chuyên mục
Tìm theo ngày

Đó là phát biểu thẳng thắn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị về vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện, tổ chức sáng 17/3 tại TP. Đà Nẵng.



Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị

Hội nghị thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty  thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội, Cục Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố có các công trình thủy điện trên địa bàn, các cơ quan quản lý nhà nước về thủy điện tại các tỉnh, đại diện Ngân hàng Thế giới, JICA, Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 330 công trình thủy điện với tổng công suất 17.615 MW được đưa vào vận hành,  chiếm 32% tổng sản lượng điện năng của cả nước. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn so với các nguồn khác. Các nhà máy thủy điện đã tạo ra nhiều lợi ích tổng hợp, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa góp phần cắt, giảm, làm chậm lũ cho hạ du trong mùa mưa, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp đảm bảo dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, các hồ đập thủy điện cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho vùng hạ du đập nếu các thủy điện vận hành không an toàn, do vậy rất cần sự quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý và sự chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành của các chủ đập. "Bộ Công Thương luôn luôn cầu thị, lắng nghe các góp ý để có thể vận hành công tác quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng phối hợp nhưng không thể làm thay" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Theo Bộ trưởng, mục đích của hội nghị nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quản lý thủy điện thời gian qua, từ đó triển khai các giải pháp, đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện trong thời gian tới. Bộ trưởng lưu ý, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 391/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, chỉ rõ việc kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện không đảm bảo an toàn.

Hơn 300 đại biểu tham dự hội nghị

Báo cáo về công tác vận hành, quản lý an toàn thủy điện của Bộ Công Thương, ông Trần Hữu Lượng – Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp - cho biết, ngoài việc vận hành phát điện lên hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng, các hồ chứa thủy điện đã góp phần quan trọng vào việc: (i) Cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra; (ii) Cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực; trật tự, an toàn xã hội... khu vực hạ du hồ chứa.

Hiện nay, công tác quản lý, vận hành công trình thủy điện đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể có 5 Luật và Pháp lệnh; 6 Nghị định; 4 Thông tư và nhiều quy chuẩn tiêu chuẩn khác

 

Lãnh đạo Tổng cục Năng lượng và Cục điều tiết điện lực điều hành hội nghị

Về công tác quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng thủy điện có thể chia làm hai giai đoạn, trước năm 2013 vẫn còn nhiều bất cập do sự phân cấp quản lý, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch các dự án thủy điện (DATĐ) từ 30 MW trở lên và DATĐ bậc thang, UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch DATĐ nhỏ (dưới 30MW). Các dự án thủy điện nhỏ chủ yếu nằm khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, tài liệu để lập quy hoạch còn hạn chế, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi... tư vấn quy hoạch chưa đáp ứng về năng lực nên chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế.

Công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật… đều do chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có ý kiến ở giai đoạn thiết kế cơ sở nên việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình chưa thực sự chặt chẽ; việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án của cơ quan nhà nước ở địa phương cũng chưa được tổ chức thường xuyên, chặt chẽ, hợp lý và hiệu quả do thiếu nhân lực và chuyên môn

Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường quản lý thủy điện, những tồn tại nêu trên đã được khắc phục. Bộ Công Thương phối hợp rà soát, thống nhất loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655 MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW), đồng thời không xem xét quy hoạch 213 vị trí có tiềm năng thủy điện (349,61MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác.

Các văn bản mới về quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành, về cơ bản đã khắc phục được những bất cập, bảo đảm cho cả công tác quản lý và việc tuân thủ của các chủ đầu tư và kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Trần Hữu Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp

Bên cạnh đó, qua quá trình kiểm tra thực tế, các thủy điện, nhất là các thủy điện lớn đã làm tốt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện trên cơ sở phối hợp tốt với địa phương.
Tại hội nghị các đại biểu cũng được nghe đại diện đến từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một số các công ty thủy điện, lãnh đạo địa phương trình bày các tham luận  liên quan đến vai trò, lợi ích của thủy điện, công tác vận hành, đảm bảo an toàn đập, những khó khăn vướng mắc trong vận hành hồ chứa; hành lang thoát lũ; xây dựng bản đồ ngập lụt và phương án phòng chống lũ lụt hạ du; công tác quan trắc khí tượng thủy văn; công tác phối hợp; báo cáo, tuyên truyền trong vận hành hồ chứa góp phần giảm lũ cho hạ du..., cũng như trao đổi thẳng thắn những vướng mắc trong phương thức phối hợp để vận hành công việc quản lý tốt hơn.

 

 

Theo - Báo Công Thương